TỰ NẤU ĂN QUAN TRỌNG VẬY SAO?
- Jen Sen
- Jan 31
- 3 min read
Đầu tóc quần áo đượm mùi mồ hôi mùi dầu ăn nồng nặc, tay thoăn thoắt rửa xắt rau, đôi chân đứng bếp đã cả tiếng đồng hồ, suy nghĩ luẩn quẩn quanh việc món mới này không biết có thất bại không, làm nhanh còn làm việc khác, rồi tự nhiên bị đứt tay, lửa quá lố rồi. Đây là hình ảnh đứng bếp quen thuộc của tôi và nhiều người.
Việc làm bếp trên truyền thông trông rất nhẹ nhàng, tinh tế nhưng thực tế nó cũng áp lực và hao tổn tâm trí và cơ thể vật lý không kém gì việc chạy deadline ở công ty hay chạy marathon.
Ngày này, bước ra đường là quán này quán nọ, muốn ăn gì là có đấy nhưng tại sao chúng ta vẫn cần nấu ăn và học làm chủ căn bếp của mình?
Đầu tiên, bạn nấu gì thì bạn ăn nấy, nhưng ra quán người ta nấu gì bạn ăn nấy, bạn không có quyền lựa chọn và kiểm soát việc nấu ăn của người khác. Chưa kể đến việc quán dùng nguyên liệu không sạch, gia vị quá nhiều và bao nhiêu năng lượng tiêu cực họ có thể đã trút vào tô bún riêu của bạn. Còn tự tay nấu, bạn sẽ toàn tâm toàn ý chủ động chọn thứ tốt nhất vì thức ăn là năng lượng sống của chính bạn, tại sao lại để người khác quyết định. Nấu ăn một phần là tình yêu vị kỷ chân phương, vì bạn nuôi dưỡng cơ thể thế nào thì thể hiện tình yêu của bạn dành cho bạn ra sao. Chăm sóc bản thân tốt là cốt lõi của mọi sự phát triển.
Tổng thống hay giáo sư hay một đứa bé đều lớn lên từ căn bếp và nhờ căn bếp. Chắc vì thế mà chúng ta có một sự kết nối mãnh liệt với cái gọi là bữa cơm mẹ nấu. Đi ăn bao nhiêu nhà hàng sang trọng, bao nhiêu mỹ vị trên đời cũng chẳng sánh được với món canh món chả giản đơn mẹ làm. Cứ về nhà ăn cơm với mẹ là cảm thấy mọi thứ khác không quan trọng, hay trong một lúc bí ý tưởng món ăn, tiềm thức lại nhắc nhớ làm món ăn thời thơ ấu, mà có làm đi làm lại cũng không thể giống hoàn toàn hương vị mẹ làm, vì hương vị của mẹ là tình yêu thuần khiết. Thế mới nói, miếng ăn không chỉ giúp ta tồn tại, mà nó còn bắt rễ sâu giữa ta với gia đình, những người ta yêu thương và cuộc đời nói chung. Căn bếp có nổi lửa, gia đình mới hạnh phúc, hay con đường ngắn nhất đến trái tim là qua dạ dày là vì thế.

Cuối cùng, nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nấu ăn giống như một việc thực hành tâm linh đối với tôi. Trước đây, tôi tìm đến nấu ăn đặc biệt những lúc đang căng thẳng, gồng mình. Tôi để cho đôi tay của mình điều khiển tâm trí, để vị giác khứu giác thính giác thị giác của tôi chìm đắm trong những món ăn mà vô tình quên đi vấn đề hiện tại. Cứ thế, căn bếp tràn ngập mùi thơm kéo tôi quay lại với chính tôi. Chắc là nấu ăn cũng như dạng thiền động giúp ta tập trung, tĩnh tâm. Giờ đây vào bếp thường xuyên hơn, mỗi lần nấu ăn là một lần thiền trong ngày với tôi. Điều quan trọng là trước khi xắn tay áo, hãy hít thở một vài hơi để lắng lại tâm trí rồi thả mình vào buổi niệm ca thơm phức này. Thức ăn chữa lành chúng ta, nấu ăn cũng thế.

Thế nhé, hãy trân trọng giữ gìn và sử dụng căn bếp của mình như trao thêm hơi thở cho cuộc sống của chính mình và những người xung quanh. Bạn là những gì bạn ăn và bạn cũng chính là những gì bạn nấu ăn.
OM!
Comments