top of page

Từ khi tôi học chương trình Health Coach của Institue of Integrative Nutrion (chương trình huấn luyện viên sức khỏe của Viện Dinh dưỡng Tích hợp Hoa Kỳ) năm 2021, tôi đã bắt đầu thay đổi rất nhiều thói quen trong sinh hoạt, ăn uống, suy nghĩ, tinh thần của mình. Cụ thể một trong số đó là tôi bắt đầu dừng sử dụng những sản phẩm công nghiệp.


Thú thật tôi cũng từng là “người trong ngành” nhưng vì không quan tâm nên tôi không biết một số sản phẩm mà mình truyền thông thật sự không tốt như vậy. Cho đến khi những kiến thức tôi được học khiến tôi vỡ òa.


Những sản phẩm công nghiệp hiện nay, từ đồ ăn thức uống đến sản phẩm FMCG, đều chứa rất nhiều chất hóa học, phụ gia, thành phần tự nhiên rất ít hay không có. Nhiều người nói hàng nhập cũng vậy thôi. Xin thưa, hàng nhập có loại này loại kia, và chuẩn hàng hóa của châu Âu khác xa chuẩn Mỹ (một bên vì sức khỏe, một bên vì lợi ích kinh tế). Chỉ có người tiêu dùng mới cần sáng suốt để biết cái gì là thật sự tốt cho họ.  Và kiến thức này, rất tiếc, chúng ta phải tự tìm hiểu vì không công ty nào ngốc ngếch chia sẻ với chúng ta những vấn đề này.


Bắt đầu với thực phẩm, tôi nhất quyết không để cho 1 hũ hạt nêm hay bột ngọt nào trên kệ bếp của mình. Khi mua bất cứ sản phẩm nào, việc đầu tiên tôi làm là lật mặt sau ra đọc thành phần, tôi còn chẳng đọc kỹ mặt chính (vì tôi biết những câu bùa ở đó). Rồi có những thực phẩm tưởng là healthy nhưng đọc thành phần cũng phải tá hỏa (hóa ra chúng ta dễ bị lừa nếu không có kiến thức). Tất cả những nguyên liệu tôi mua để nấu ăn ở nhà, tôi không coi sót một thứ nào.


Cái kệ gia vị siêu đơn giản của mình: dầu lạc, muối hồng, nước mắm thực dưỡng, chao đậu, nước tương tamari và các thảo mộc tự nhiên


Đến đồ dùng vệ sinh, tắm gội, tôi bắt đầu bái bai với mấy nhãn hàng nhiều tiền quảng cáo trên tivi và mạng xã hội. Bây giờ ngửi cái mùi nước rửa chén, nước xả công nghiệp là tôi hơi nổi da gà vì có lẽ mình đã quen mùi tự nhiên hay…không mùi. Rồi sơn móng tay, tôi cũng phải nhờ bạn tôi bên Mỹ ship về cái brand mà theo tôi tìm hiểu là nó lành, bớt hóa chất, chớ không dám sơn loại ở tiệm nữa.


Xà bông rửa tay tự làm với xà bông tự nhiên không mùi mix với mấy hũ tinh dầu


Những đồ máy móc khác, tôi thà bỏ một số tiền lớn để mua đồ chất lượng, còn hơn vác bệnh vào người, như chảo gang cầm muốn gãy cánh tay, chảo inox, máy ép chậm, máy sữa hạt… Cứ lâu lâu chồng tôi lại thấy tôi tha lôi thêm đồ bếp về haha.


Cái máy sữa hạt cứu rỗi cuộc sống tôi (tự rửa, thật nhàn tay)


Từ việc ngưng sử dụng đồ công nghiệp, tôi dường như được dẫn dắt để bắt đầu tiếp cận đến những phương pháp chạm gần hơn đến cái tôi, sự thật, như thiền và yoga. Dường như hành trình này không ngừng nối tiếp và khiến mình thay đổi đến tận gốc rễ.


Bạn thấy đó, khi bạn thay đổi một sản phẩm là rất nhiều thứ khác thay đổi theo. Sản phẩm chất lượng không phức tạp như bạn nghĩ, mà ngược lại, nó rất đơn giản, rất thuần, như chính bản chất con người. Từ thành phần đơn giản, tự nhiên cho đến bao bì cũng tinh gọn, thân thiện môi trường, không cần tô vẽ, màu mè, tự chất lượng của nó sẽ nói lên tất cả.


Tôi hay đùa bây giờ hàng nào ít quảng cáo là hàng xịn, như viên ngọc bị vùi sâu dưới đất mà mình phải cất công tìm và đào lên. Lối sống này không đơn giản trong thời đại ồn ào, chạy theo hình thức và bề ngoài, thật giả lẫn lộn như hiện nay, nhưng nó xứng đáng để theo đuổi. Cá nhân tôi vẫn còn nhiều thứ khác cần học hỏi và thay đổi, vì sự học không có điểm dừng.


Tôi không nói hàng FMCG không có vai trò trong nền kinh tế này, vì nhìn xem bao nhiêu gia đình vẫn rất cần nó, nhưng đến khi nhận thức khách hàng, khả năng tài chính ngày càng tốt hơn, tôi tin các nhà sản xuất cũng buộc phải thay đổi và họ sẽ chỉ bán sản phẩm mà thật sự họ cũng muốn xài. Chính chúng ta mới là người có quyền quyết định cái gì, chất lượng thế nào được bán, không phải là điều ngược lại như bây giờ.


Nếu bạn muốn tìm hiểu về chương trình Health Coach của IIN, điều đã giúp mình thay đổi toàn diện như thế, đừng ngại để lại lời nhắn cho mình nha.

PHẦN 1: GIẤY THÔNG HÀNH – VISA


Tóm tắt 1 xíu, đây là chuyến đi du lịch châu Âu hoàn toàn tự túc của vợ chồng mình vào năm 2024, tổng cộng 40 ngày cả đi và về. Visa Schengen 40 ngày, đây cũng là lần đầu mình đến châu Âu. Vì thế, mình xin chia sẻ 1 số kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân hy vọng có thể giúp ích nếu bạn cũng đang lên kế hoạch đi châu Âu tự túc nhé.

 

1.        THỜI GIAN CHUẨN BỊ

Đợt đó mình dự kiến đi từ 1/9, tụi mình bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ tháng 5, và mình đã nộp hồ sơ vào đầu tháng 7, tức chuẩn bị thông tin, hồ sơ cả gần nửa năm và nộp hồ sơ 2 tháng trước thời gian dự kiến đi. Về thời gian nộp, bạn nên check kỹ với Lãnh sự quán của quốc gia mà bạn nộp. Theo mình nhớ Pháp cho nộp trước 3 tháng. Mình nghĩ bạn nên nộp càng sớm càng tốt để nhỡ hồ sơ có bị sao, bạn cũng có sư dả thời gian để xử lý.


2.        NỘI DUNG CẦN CHUẨN BỊ

A.       ĐI ĐÂU, KHI NÀO

Visa Schengen sẽ cho phép bạn dạo chơi cả 27 quốc gia châu Âu, nhưng ngay cả mình đi đến 40 ngày và thời gian nhiều nhất cho 1 nước là đến 9-10 ngày mình còn thấy chạy show bở hơi tai. Vì vậy, mình khuyên bạn nên chọn kỹ nơi nào sẽ dành nhiều thời gian nhất (cũng nên là nơi xin nộp visa và nơi nhập cảnh đầu tiên).


Theo quan sát của mình, Pháp là nơi dễ chịu nhất trong khối Schegen để bạn bắt đầu, đặc biệt nếu bạn lần đầu đi như mình, vì chính sách mở cửa cho du lịch và đồng thời rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng.


Từ nước bắt đầu, bạn cần mở Google Map để xem nước nào gần đó để đi tiếp, vì dù phương tiện châu Âu rất tiện, bạn cũng sẽ tốn thời gian di chuyển nên bạn cần tối ưu thời gian đế tận hưởng nhiều hơn. Như tour của mình sẽ như vầy: Pháp – Thụy Sỹ - Ý – Ba Lan – Đức (chỗ Đức hơi ngược đường nhưng vì ghé thăm người nhà nên tụi mình chấp nhận).


Về thời gian đi, mình khuyên bạn nên đi mùa thấp điểm (trừ mùa hè) nếu ngân sách có hạn. Mình đi tháng 9-10 cũng vào đầu thu nên cảnh cũng rất okela.


Ở bước này, bạn đừng quá lo lắng phải chọn chốt kỹ các nơi để đi, chủ yếu chọn nước xin visa, các nước sẽ ghé qua và thời gian đi và miễn là nhìn chung nó hợp lý để xin được visa đã rồi thay đổi sau khi đi thực tế.


B.       CHUẨN BỊ GIẤY TỜ

Phần này mình sẽ chỉ nói về visa nộp đầu Pháp vì đây là kinh nghiệm của mình.


Bạn có thể lên trang web này của LSQ Pháp để trích xuất sơ bộ các giấy tờ cần nộp.

Trong quá trình chuẩn bị giấy tờ, nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn cứ gọi lên tổng đài của TLS, họ sẽ chỉ bạn tường tận vì họ là đối tác hỗ trợ visa cho bên LSQ. Như mình, mình phải gọi lên đó cả 4 5 cuộc rồi, vì bạn coi Facebook hay có ai đó khuyên bạnm cũng sẽ không chuẩn bằng TLS được.


Ở đây, mình liệt kê toàn bộ giấy tờ mà mình nộp hồ sơ cho bạn dễ hình dung.


1. Giấy tờ chứng minh công việc: nộp bản photo và bản dịch tiếng Anh nếu đang là tiếng Việt, bản gốc phải có chữ ký và mộc công ty

  • Hợp đồng

  • Giấy xác nhận làm việc tại công ty

  • Giấy xin nghỉ phép 

  • Payslip 3 tháng gần nhất


2. Giấy tờ cá nhân:

  • Hộ chiếu: nộp bản gốc và bản photo các trang thông tin, nộp kèm hộ chiếu cũ nếu có

  • Giấy chứng nhận kết hôn: dịch công chứng, có vẻ là kết hôn rồi thì khả năng pass tốt hơn là đi 1 mình độc thân

  • CT07/Hộ khẩu: dịch công chứng, có hộ khẩu thì nộp hộ khẩu vì CT07 phải làm với bên phường cũng phải dí và lạy lục lắm ☹

  • Hình thẻ: theo kinh nghiệm mình ra tiệm chụp nhưng khi nộp bị reject vì sai lệch tỉ lệ, do đó phải chụp lại ở TLS. Nên bước này bạn có thể lên TLS chụp để chắc chắn đúng size


3. Chứng minh tài chính khác:

  • Sao kê tài khoản: bạn nên chọn tài khoản nào có nguồn tiền vừa phải, ổn định (cũng không phải đột nhiên nộp hồ sơ thì mới chuyển vào đó một đống tiền), nói ngân hàng xuất thêm thông tin ngày mở tài khoản, lãi các kỳ, khoan hãy rút ra trong thời gian nộp visa

  • Sổ đỏ (nếu có)

  • Sổ tiết kiệm: bắt buộc có, số tiền thì tùy bạn, nên gửi tiền từ sớm (ví dụ 1-2 năm) chứ không phải chuẩn bị hồ sơ mới gửi

  • Đầu tư khác (vd: chứng khoán, chứng chỉ quỹ…): để người ta thấy bạn có đầu tư tiền có ràng buộc thêm ở VN


4. Giấy tờ du lịch:

  • Kế hoạch du lịch (itenerary): làm bản excel liệt kê thời gian, nước, nơi tham quan, nơi ở (again, cái này chỉ để tham khảo nhưng nó cần hợp lý về di chuyển, thời gian). Hãy nhờ Chat GPT giúp bạn.

  • Xác nhận đặt phòng khách sạn: tụi mình book trên Booking/Air BnB rồi khi pass visa thì hủy booking (vẫn có tiền cọc lúc book và được hoàn lại khi hủy nên bạn check kỹ)

  • Bảo hiểm du lịch: mình mua bên Bảo Việt khoảng hơn 1tr/2 người cho 40 ngày, bạn nhớ xin bản cứng song ngữ để nộp

  • Vé khứ hồi: có thể mua trên Vietnamairlines và in phần booking ra nộp (không cần phải mua thật nha)

  • Form xin visa: là bước sau cùng để điền và in ra dán hình nộp (Link) (vì form có hỏi hotel). Ở form có phần lý do đi, mình thì nói thật đó là honeymoon của tụi mình, mình cũng nói thêm mình thích đi châu Âu lâu lắm rồi. Bạn cũng nên thể hiện sự rất muốn đi nhé.


Bạn cũng nên cần chuẩn bị thông tin BHXH vì người ta có thể yêu cầu bổ sung sau khi nộp (chỉ cần chụp màn hình quá trình đóng bảo hiểm trên app VssID).


Bạn nên làm 1 file tracking để không bị thiếu hồ sơ nha.


3.        NỘP HỒ SƠ

Chuẩn bị mọi thứ xong, vào trang của TLS tạo account và hồ sơ để book lịch hẹn. Mình nhớ giữa tháng 6 mình chuẩn bị xong nhưng lịch đến tháng 7 mới available, nên đây cũng là 1 yếu tố để bạn nên nộp sớm. Mình nhớ TLS cũng có dịch vụ nộp cuối tuần vào mùa cao điểm.


Tụi mình chọn dịch vụ Salon Premium khi nộp hồ sơ vì mình nhớ họ sẽ tư vấn nếu mình thiếu hồ sơ, cho thời gian bổ sung hồ sơ, và ưu tiên lượt của mình. Bạn cũng có thể chọn nếu lần đầu nộp (phí khoảng 1.8tr/người)


Khi đi bạn nhớ đem theo toàn bộ chứng từ bản gốc để họ đối chiếu. Bạn cũng cần học sơ lịch trình của mình.


Hôm nộp hồ sơ, họ cũng không phỏng vấn gì mấy, chỉ nhờ mình xác nhận ngày đi, ngày về. Họ kiểm tra thông tin hồ sơ của mình, hỏi mình cách nhận kết quả. Sau đó thì chụp hình và lấy vân tay, rất nhanh gọn.


Chỉ 1 tuần sau khi nộp thì họ phản hồi nói mình bổ sung BHXH, khi mình bổ sung thì tầm 2 ngày sau đã có kết quả có thể nhận visa về trực tiếp.


4. MỘT SỐ NHẮN GỬI


Bạn nên có 1 lịch sử du lịch nhiều trước khi đi châu Âu nếu đi tự túc. Cũng không cần phải Nhật Hàn gì mình nghĩ vậy, như mình cũng chỉ đi các nước Thái, Cam, Indo, Sing, Đài thôi, nhưng nó diễn ra đều (1 năm/lần) vì bản thân mình thích đi du lịch.


Để đậu visa Schengen cần yếu tố gì? Không ít người rớt visa vì lí do nào đó không ai biết. Mình nghĩ chủ yếu là sự minh bạch và logic của hồ sơ và khả năng trốn ở lại của bạn. Về tài chính, không có 1 con số cụ thể để nói rằng bao nhiêu đó tiền mới pass visa (nhiều người tiền tỷ nhưng vẫn rớt). Nên hãy cẩn thận lên kế hoạch hợp lý.


Khi đặt chân đến châu Âu, mình nhận ra hộ chiếu mình cần trên tay vô cùng nhỏ bé và ít giá trị khi đến các nước phát triển như này. Trong khi các bạn Nhật Hàn Ấn Trung lại rất dễ dàng để đi châu Âu, còn Việt Nam chúng ta có thể còn rất lâu để muốn đi đâu thì đi. Hy vọng bạn và mình cùng để lại hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế để cải thiện chất lượng của hộ chiếu trong tương lai xa.


Nếu bạn có thắc mắc gì, đừng ngần ngại comment hay nhắn tin cho mình. Mình mong bạn sẽ có tấm vé thông hành để trải nghiệm châu lục tuyệt vời này.


Thực đơn sáng ở Việt Nam quá đa dạng, từ bún phở cơm sườn xôi đến bánh mì bánh ngọt, chẳng thiếu thứ gì hết. Nhưng nếu dậy sớm một chút và có sẵn vài thứ, nhà mình sẽ ăn sáng tinh gọn, nhẹ nhàng, thanh vị mà vẫn đủ chất.


Trong yoga, bữa sáng là bữa ăn ít nhất trong ngày, vì khi đó agni (lửa tiêu hóa) chưa hoạt động mạnh do ta vừa thức dậy, nên cần ăn vừa phải, không quá nhiều, ăn đồ ấm nhẹ lỏng dễ tiêu, chưa kể buổi sáng khá hối hả, tất bật nên thời gian ăn sáng không nhiều. Điều này có thể khác với quan niệm ăn sáng là bữa ăn no nhất, hãy tự chọn cho mình một bữa ăn phù hợp với cơ thể bạn nhé.



Bữa sáng yêu thích dễ ăn của Trang: sữa hạt nóng mix với yến mạch nguyên cám và trái cây (chuối đông lạnh hay dâu, berry, bơ), thả hạt chia ở trên



Bánh mì hay pancake nguyên cám dùng với bơ cacao hay bơ lạc kèm trái cây, phô mai


Bữa sáng học lỏm ở ashram lúc học yoga: cháo yến mạch kèm hạt, đậu và nho khô


Bánh bao men tự nhiên và sữa chua kefir kèm 1 quả chuối laba


Bánh bông lan nguyên cám tự làm ăn kèm mứt berry cũng tự làm, bơ cacao đậu gà, nước ép cần tây thơm cam vừa ép, trang trí với bông hồng ngắt ngoài vườn





© 2025 by Trang Ngo

LIVE - LOVE - LIBERATE

OM
    bottom of page